Đang gửi...

7 kĩ năng trẻ cần biết khi bị bỏ quên hay mắc kẹt trong ô tô

thumb

Mấy ngày nay dư luận xã hội vẫn chưa hết bàng hoàng và đau xót trước thông tin một bé trai 6 tuổi tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh của chính nhà trường khi mới đi học được hai ngày.

Nguyên nhân và trách nhiệm thuộc về ai thì cơ quan chức năng đang làm rõ nhưng ngay lúc này việc phụ huynh cần làm là trang bị cho con em thậm chí cả người lớn trong nhà mình 07 kĩ năng cần biết khi bị bỏ quên hay mắc kẹt trong ô tô để tránh việc đau lòng tương tự xảy ra.

Thực tế ở Việt Nam có lẽ đây mới là trường hợp đáng tiếc đầu tiên dẫn tới tử vong, nhưng ở  các nước khác trên thế giới điều này không phải là hiếm, bởi lí do ô tô là phương tiện phổ biến của họ.

Theo thống kê năm 2019 tại Mỹ xảy ra 24 trường hợp trẻ em tử vong do bị bỏ quên trong ô tô. Còn trong năm 2018, điều tồi tệ hơn đã xảy ra có tới 52 trẻ em rơi vào cảnh tương tự. Một con số khủng khiếp nếu xét về trình độ khoa học, trình độ dân trí, trình độ pháp luật của xã hội Mỹ so với Việt Nam.

 

tổng hợp

 

Ngoài các biện pháp của các cơ quan chức năng, nhà trường để tránh bỏ quên trẻ thì tự bản thân mỗi cá nhân cần được trang bị các kĩ năng sau để có thể tự cứu lấy mình khi rơi vào tình huống mắc kẹt trong ô tô.

1 Cố gắng giữ bình tĩnh.

Điều này là rất quan trọng bởi nó quyết định tới tất cả các điều tiếp theo. Nếu trẻ khóc lóc, la hét thì sẽ không đủ tỉnh táo để thực hiện các kĩ năng thoát hiểm và thậm chí khiến ô xy trong xe cạn kiệt nhanh hơn hay nhiệt độ cơ thể vốn đã nóng sẽ càng nóng hơn. Dẫn tới tử vong nhanh hơn. Điều cần làm là giữ bình tĩnh, di chuyển lên ghế lái trên đầu xe và thực hiện các bước tiếp theo.

 

giữ bình tĩnh

Giữ bình tĩnh là yếu tố quyết định

 

2 Mở cửa từ ghế lái

Hãy dạy trẻ biết cách mở cửa xe từ vị trí ghế lái. Ngay cả khi xe đã tắt máy và cửa khóa thì vẫn có thể mở cửa bằng cách bật chốt khóa cửa, sau đó mở cửa như bình thường. Vấn đề là trẻ phải biết cách bật chốt khóa cửa ở đâu bởi 1 số xe có thiết kế chốt này khác nhau.

Nếu thành thạo cách này, trẻ có thể tự thoát ra ngoài dễ dàng và an toàn hơn cả.

Khi cửa mở mà xe vẫn ở tình trạng khóa thì còi xe có thể được kích hoạt kêu lên để báo động. Khi đó cũng là cách để trẻ kêu gọi sự trợ giúp.

 

mở chốt cửa

Mở cửa cạnh ghế lái xe là cách tốt nhất để thoát ra ngoài

 

3 Bấm còi xe liên tục.

Ít người biết rằng, ngay cả khi xe tắt máy hoàn toàn, rút chìa khóa khỏi xe thì còi xe vẫn có thể hoạt động bởi nó được đấu nối trực tiếp vào bình ắc-quy chứ không qua công tắc khởi động của xe. Vì thế nếu không may bị bỏ quên hay mắc kẹt trong xe, hãy dạy trẻ biết nhấn vào vị trí còi xe (có hình chiếc kèn) ở vô-lăng. Tiếng còi xe sẽ thu hút sự chú ý của người xung quanh để giúp đỡ trẻ thoát ra ngoài.

 

bấm còi xe

Bấm còi xe liên tục gây sự chú ý

 

4 Bật và nháy đèn pha xe.

Tương tự còi xe, đèn pha ô tô cũng có thể bật sáng ngay cả khi xe đã tắt máy. Nếu trẻ bị mắc kẹt trong xe, hãy đảm bảo trẻ biết cách bật và nháy đèn pha xe để kêu gọi sự trợ giúp từ bên ngoài. Cách này sẽ phát huy tác dụng cao hơn khi trời tối bởi ánh đèn khi đó dễ được phát hiện hơn so với khi trời sáng.

Để bật và nháy được đèn, trẻ phải sử dụng cần nhỏ bên trái vô-lăng. Xoay 2 nấc là bật đèn hoặc chỉ đơn giản là kéo nhẹ về phía người là đèn sẽ sáng, thả tay đèn tắt. Lập lại nhiều lần để nháy đèn.

 

bật đèn pha

Trẻ nên biết cách bật và nháy đèn chiếu sáng của xe

 

5 Bật đèn khẩn cấp

Đèn khẩn cấp sẽ bật khi nhấn vào nút có hình tam giác màu đỏ. Nút này thường được để ở chính giữa bảng Táp-lô của xe hoặc chính giữa vô-lăng. Khi bật nút này, đèn xi nhan trước sau 2 bên sẽ cùng sáng và nháy liên tục. Mục đích của đèn này đúng như tên gọi của nó là báo hiệu tình trạng khẩn cấp cho người khác biết.

 

đèn khẩn cấp

Hình dạng nhận biết nút đèn khẩn cấp

 

6. Đập cửa kính xe

Phương án này là cuối cùng khi các cách trên không giúp ích được cho trẻ.

Trẻ cần được rèn luyện cách nhận biết dụng cụ có thể đập vỡ được kính xe như Búa thoát hiểm, Cờ lê, Tua-vít… Và quan trọng là những thứ này sẽ thường được để ở vị trí nào trên xe để trẻ có thể tìm thấy. Rất tiếc là cách này không thể cho trẻ thực hành thực tế nhiều lần như các phương án trên được.

 

búa thoát hiểm

Dúng búa thoát hiểm hoặc các dụng cụ có thể để đập vỡ kính xe

 

Ngoài ra nếu không phải trẻ em mà người lớn bị mắc kẹt trong ô tô thì còn có cách nữa để thoát ra đó là đạp vỡ kính chắn gió. Cách này cần thể hình và sức khỏe vì không đơn giản để thực hiện được. Người lớn cần điều chỉnh ghế lùi lại phía sau để lấy không gian. Tựa lưng vào ghế, co 2 chân để đạp mạnh nhiều lần vào kính lái. Kính sẽ bung ra hoặc chí ít là rạn, vỡ để không khí lọt vào.

Đây cũng là cách xử lý khi không may xe bị chìm dưới nước mà không thể mở được các cửa theo cách thông thường.

 

đạp kính chắn gió

Đạp kính chắn gió đối với người lớn khỏe mạnh

 

7. Liên lạc với người thân bằng thiết bị thông minh

Ngày nay có khá nhiều thiết bị đeo nhỏ gọn có thể giúp trẻ liên lạc được với cha mẹ, người thân như điện thoại, đồng hồ thông minh. Trẻ cần được hướng dẫn cách sử dụng các thiết bị này khi gặp tình huống khẩn cấp. Thường là cha mẹ cài đặt phím gọi nhanh để trẻ chỉ cần nhấn giữ phím đó là có thể liên lạc được với số điện thoại đã cài đặt sẵn.

Tuy nhiên các thiết bị thông minh cũng có mặt trái của nó, nhất là đối với trẻ còn nhỏ. Chưa kể nó còn phụ thuộc vào vùng phủ sóng liên lạc hay không phải lúc nào cũng có thể mang theo bên mình. Vì vậy, trong các cách thoát hiểm, người biên tập bài viết xếp nó ở vị trí cuối cùng.

 

liên lạc người thân

Liên lạc với người thân

 

Trên đây là 7 kĩ năng trẻ cần được biết và rèn luyện để có thể tự giúp mình thoát khỏi ô tô nếu không may bị bỏ quên hay mắc kẹt.  Tuy vậy chúng ta đều hy vọng không trẻ nào phải rơi vào tình huống cần phải áp dụng các kĩ năng này.

 

 

Tin khác

Call 0964 179 487
top